Quản lý hiệu suất liên tục là gì?

Quản lý hiệu suất liên tục là gì?

Quản lý hiệu suất liên tục (CPM – Continuous Performance Management) là phương pháp quản lý dựa trên việc thiết lập mục tiêu ngắn hạn kết hợp kiểm tra tiến độ thường xuyên và phản hồi kịp thời cho nhân viên.

Nếu thực hiện quản lý hiệu suất theo cách truyền thống sẽ giúp bạn phác họa được bức tranh nhân viên đã làm việc như thế nào thì với quản lý hiệu suất liên tục, bạn sẽ nhanh chóng nhận diện được một cách cụ thể những việc nhân viên đang làm như thế nào.

Nếu đánh giá hiệu suất truyền thống thường được thực hiện theo chu kỳ khá dài, theo từng năm để tập trung xếp loại nhân viên, xem xét lương thưởng thì CPM được thực hiện thường xuyên với chu kỳ ngắn, nhằm xem xét hiệu suất hiện tại của nhân viên và tách rời của lương thưởng.

Xu hướng quản trị hiện nay ở các doanh nghiệp, tổ chức cũng đang chuyển dịch dần từ quản lý hiệu suất truyền thống theo từng năm sang CPM với chu kỳ ngắn hàng theo từng quý hoặc thậm chí là từng tháng.

Lợi ích của quản lý hiệu suất liên tục(CPM)

1.Tăng chủ động của nhân viên

Với CPM, nhân viên được chủ động đặt mục tiêu cá nhân (mục tiêu có tính liên kết với mục tiêu tổ chức). Khi được làm việc với tâm thế chủ động (chứ không phải nhận yêu cầu, chỉ thị của người khác) nhân viên có xu hướng nỗ lực hơn, chủ động tìm cách giải quyết vấn đề hơn.

Ngoài ra, sau các cuộc trao đổi, tiếp nhận những phản hồi từ quản lý và được công nhận kết quả, hiệu suất làm việc nhân viên sẽ cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa, có giá trị và qua đó họ sẽ chủ động với công việc hơn.

Đồng thời, quản lý hiệu suất liên tục sẽ góp phần tạo cho nhân viên dần hình thành văn hóa làm việc có trách nhiệm, chủ động bám sát, hướng đến mục tiêu. Nhân viên bắt buộc phải chủ động hơn với công việc nếu không sẽ liên tiếp bị các phản hồi tiêu cực, đánh giá thấp từ phía quản lý.

2.Tăng cường sự tương tác giữa nhân viên và quản lý

Thực hiện CPM, nhà quản lý sẽ cần phải thực hiện trao đổi, đối thoại 1-1 và phản hồi cho nhân viên của mình. Quá trình này sẽ khiến sự tương tác giữa nhân viên và quản lý được tăng cường hiệu quả hơn.

Quản lý sẽ hiểu rõ nhân viên của mình đang làm gì, làm tốt hay chưa tốt và có thể cải thiện thêm hiệu suất công việc bằng phương cách nào. Nhân viên thông qua tương tác với quản lý cũng sẽ nhận được những phản hồi hữu ích như những món quà giúp họ gia tăng hiệu suất công việc.

3.Cung cấp dữ liệu kịp thời tránh chệch hướng, rủi ro

Nhân viên dù có nỗ lực cao độ nhưng nếu nỗ lực chệch hướng hay gặp những rủi ro khi triển khai thì hiệu suất công việc cũng khó đạt được mức tốt. Việc CPM sẽ giúp nhà quản lý có được dữ liệu công việc của nhân viên một cách kịp thời, chính xác. Và qua đó, nhân viên sẽ nhận được những phản hồi hữu ích giúp hạn chế tối đa việc chệch hướng, rủi ro trong công việc.

4.Nhân viên gắn bó hơn với công ty

Thông thường, biến động nhân sự của một tổ chức thường bắt đầu khi hiệu suất công việc của nhân viên suy giảm và họ cảm thấy chán nản với công việc. Việc nhân viên nhận được phản hồi thường xuyên sẽ giúp cho công việc của họ có thêm tiến triển, cải thiện. Do đó, nhân viên sẽ thêm yên tâm và hào hứng làm việc tại công ty hơn.

Mặt khác, CPM luôn gắn với việc công nhận kịp thời những kết quả, hiệu suất tốt của nhân viên. Khác với quản lý hiệu suất truyền thống chỉ tiến hành đánh giá hiệu suất nhân viên vào dịp cuối năm để xét lương thưởng thì CPM có chu kỳ ngắn hơn rất nhiều, có thể theo tháng, quý. Do đó, nhân viên sẽ luôn được đánh giá đúng, công nhận đúng với những nỗ lực công việc và hiệu suất họ đạt được.

CPM có thể đem tới cho nhân viên cảm giác của những người chiến thắng, những người được công nhận và qua đó nhân viên cũng sẽ gắn bó hơn với công ty.

 

Những lưu ý giúp quản lý hiệu suất liên tục hiệu quả hơn

Về mặt tâm lý thông thường, nhân viên sẽ không hề muốn quá trình làm việc của họ bị quản lý, giám sát liên tục. Do đó khi thực hiện quản lý hiệu suất liên tục nên lưu ý một số điểm sau để đạt được hiệu quả tốt nhất.

+Trao đổi minh bạch với toàn công ty trước khi thực hiện

Trước khi bắt đầu triển khai CPM, nhà quản lý hãy trao đổi, tham vấn ý kiến với toàn thể công ty. Nếu có những ý kiến trái chiều, nhà quản lý cũng nên nhân cơ hội họp toàn công ty này để chia sẻ, cung cấp thêm thông tin về CPM. Nhân viên thường lo ngại về những điều họ chưa rõ, chưa hiểu. Nếu bắt buộc thực hiện theo phương pháp quản lý mới thì họ vẫn có thể thực hiện nhưng với một cách rất gượng ép, miễn cưỡng.

Bạn hãy tạo cơ hội để nhân viên nắm bắt tổng quan, hiểu về CPM, hãy để nhân viên tin tưởng và khi bắt tay vào áp dụng, nhân viên sẽ gia tăng thêm sự hào hứng, giảm thiểu được những vướng mắc phát sinh.

+Đào tạo cấp quản lý hiểu về lợi ích và cách thực hiện CPM

Với cấp quản lý, cần tiến hành đào tạo chuyên sâu để các cấp quản lý hiểu rõ, thấu đáo về lợi ích và cách thực hiện CPM (CPM). Khi các cấp quản lý hiểu rõ, thấu đáo về CPM, họ sẽ đóng vai trò như những đầu mối dẫn dắt giúp nhân viên bên dưới thực hiện CPM đúng hướng, đúng cách và hiệu quả.

+Đề ra quy tắc, quy định, kỷ luật bắt buộc

CPM cần được thực hiện dựa trên quy tắc, quy định rõ ràng và áp dụng kỷ luật bắt buộc. Sẽ thật khó để CPM đạt được hiệu quả cao nếu các cấp quản lý và nhân viên thực hiện hời hợt theo kiểu cho có, cho qua, đối phó. Doanh nghiệp hãy thể hiện quyết tâm thực hiện CPM thành công thông qua việc quyết liệt đề ra các quy tắc, quy định, kỷ luật bắt buộc nhân viên tuân thủ đúng CPM. Nhà lãnh đạo, cấp quản lý nên là tấm gương sáng tuân thủ quy định ấy để nhân viên cảm nhận và thực hiện theo.

+Khảo sát toàn bộ công ty và nhân viên trước khi áp dụng

Trước khi áp dụng CPM, công ty có thể tiến hành khảo sát ý kiến của tất cả nhân viên. Cuộc khảo sát nên được tiến hành ở chế độ ẩn danh để nhân viên có thể thoải mái đưa ra ý kiến của mình. Từ kết quả khảo sát, nhà quản lý có thể nắm bắt được băn khoăn, lo lắng để có giải pháp phù hợp khiến toàn công ty sẵn sàng bước vào giai đoạn mới. Khi và chỉ khi nhận được sự đồng lòng của tất cả nhân viên, sự quyết tâm của nhà quản lý mới giúp hiệu suất công việc cải thiện và chinh phục thành công đột phá.