Lãng phí trong sản xuất là gì? Nhận diện 7 loại lãng phí

Lãng phí trong sản xuất là gì?

Lãng phí là việc quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài sản, nhân lực, thời gian sản xuất và tài nguyên không có hiệu quả, không sản sinh ra thêm giá trị cho chuỗi cung ứng. Những hoạt động không mang lại giá trị cho doanh nghiệp cần được hạn chế tối đa. Trong thực tế, không ai sẵn sàng thanh toán thêm bất kì khoản phí phát sinh nào từ các hoạt động không tạo ra giá trị cho họ. Vì vậy, lãng phí sẽ chỉ tiêu tốn nguồn lực của doanh nghiệp.

Lãng phí là một trong những nguyên nhân làm cho doanh nghiệp bị tụt hậu và kém phát triển so với thị trường. Muốn giảm thiểu lãng phí và tối ưu lợi nhuận, người chủ doanh nghiệp cần nhận biết và phân biệt được các loại lãng phí trong sản xuất để loại bỏ chúng. Bên cạnh đó, việc cắt giảm chi phí có thể sẽ khiến doanh nghiệp phải gánh chịu thêm nhiều chi phí phát sinh, đòi hỏi người quản lý phải thật sáng suốt và tính toán kỹ lưỡng.

Nhận diện 7 loại lãng phí trong sản xuất

1. Tồn kho (Inventory)

Tồn kho có thể là các nguyên liệu dạng thô hoặc các sản phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa được xuất hàng. Đây là nguồn vốn bỏ ra nhưng chưa mang lại doanh thu. Do đó, nếu có quá nhiều nguyên liệu hoặc sản phẩm tồn kho vượt quá mức cần thiết sẽ tạo ra rất nhiều chi phí phát sinh khác cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như: chi phí bảo quản, chi phí kho bãi, chi phí vận chuyển,…

2. Vận chuyển (Transportation)

Sản phẩm được sản xuất ra sẽ được vận chuyển giữa phân xưởng này với các phân xưởng khác. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển sẽ khó lòng tránh khỏi phương tiện vận chuyển bị hỏng hóc gây chậm trễ. Quá trình này khách hàng không trả tiền mà chỉ có doanh nghiệp chịu tổn thất một mình.

3. Thao tác (Motion)

Khá tương đồng với lãng phí trong vận chuyển, thao tác ở đây là những hành động thừa thãi của nhân viên sản xuất. Chẳng hạn như: chưa quen với công việc gây chậm tiến độ, mất thời gian cho việc tìm kiếm dụng cụ,…

4. Chờ đợi (Waiting)

Chờ đợi là khoảng thời gian mà con người và máy móc phải dừng hoạt động do bị tắc nghẽn hoặc các sự cố hư hỏng trong phân xưởng. Loại lãng phí trong sản xuất này làm tăng chi phí trên từng sản phẩm bởi chi phí cho nhân viên và khấu hao cho thiết bị buộc phải có dẫu cho có sự cố xảy ra.

5. Sản xuất dư thừa (Over Production)

Sản xuất dư thừa xảy ra khi số lượng cần sản xuất nhiều hơn yêu cầu của khách hàng đặt ra. Điều này làm tăng các loại chi phí khác như: chi phí lưu kho, chi phí bảo quản hàng hóa,…

6. Gia công thừa (Over processing)

Thoạt nghe có vẻ khá giống với loại lãng phí trong sản xuất số 5 bên trên, nhưng gia công thừa hoàn toàn khác biệt. Ở đây có nghĩa là sản phẩm được sản xuất phức tạp hơn nhiều so với yêu cầu của khách hàng, chẳng hạn như: thiết kế sai quy cách, kích cỡ lớn hơn hoặc nhỏ hơn, thêm thắt một số chi tiết không cần thiết,…

7. Sai lỗi (Defect)

Sai lỗi là sản phẩm sản xuất ra bị lỗi kỹ thuật hoặc chưa đạt tính thẩm mỹ theo đúng yêu cầu từ nhà sản xuất.