5 phương pháp đào tạo nhân viên phổ biến và dễ áp dụng nhất

Mục tiêu chung của việc đào tạo nhân viên và phát triển nhân lực là sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có và nâng cao tính hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh doanh. Đào tạo giúp người lao động hiểu rõ hơn về công việc, nắm vững hơn nghề nghiệp  và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ một cách tự giác hơn; có động cơ làm việc tốt hơn, cũng như nâng cao khả năng thích ứng của họ trong tương lai. Vậy những phương pháp đào tạo nhân viên nào là hữu hiệu nhất hiện nay? 

1.Đào tạo truyền thống kiểu lớp học

Đào tạo theo kiểu lớp học là phương pháp truyền thống và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay, chiếm trung bình 42% số giờ đào tạo của công ty và được sử dụng độc quyền hoặc chủ yếu (90% đến 100% thời gian) bởi 13% các tổ chức (theo báo cáo ngành đào tạo 2017, các số liệu trong báo cáo này được tính theo quy mô công ty và ngành theo cơ sở dữ liệu của Dun & Bradstreet có sẵn thông qua Hoovers của các công ty Mỹ). Phương pháp này tương tự như một khóa học đại học. Tại lớp học, giảng viên hoặc chuyên gia sẽ chuẩn bị sẵn chủ đề và công cụ giảng – thường là một bài thuyết trình dưới dạng PowerPoint – và trình bày trước một nhóm các học viên.

Tuy nhiên, phương pháp này tồn tại nhiều hạn chế như thiếu tương tác hai chiều giữa người học và giảng viên, nhàm chán, khả năng truyền tải thấp,…Chúng ta dễ thấy ngay tại Việt Nam, mô hình học tập này cũng không còn phù hợp.

2.Phương thức tương tác nhóm

Tương tác nhóm có thể coi là một “bước cải tiến” so với cách làm truyền thống, bằng cách thêm các hoạt động tương tác nhóm vào quá trình đào tạo. 

Dễ thấy các doanh nghiệp đang áp dụng ngày càng nhiều quá trình làm việc nhóm, cùng giải bài tập, đan xen với phương pháp truyền thống. Bằng cách này, học viên thoải mái làm quen; trao đổi kiến thức, kinh nghiệm; rèn luyện khả năng trình bày, lập luận và bảo vệ lập trường. 

Đào tạo tương tác đem lại hiệu quả cao vì không chỉ tạo môi trường học tập năng động, sáng tạo  mà còn cho phép những người tham gia học hỏi lẫn nhau.

3.Phương pháp đào tạo thực hành

Đào tạ thực hành ngày càng được nhân viên ưa thích rộng rãi, 52% học viên cho rằng: cách tốt nhất để học là thông qua việc tham gia tích cực và “hiện thực hóa” ngay lý thuyết tại buổi học. Tại Việt Nam, phương pháp này cũng được lồng ghép vào các buổi đào tạo truyền thống để tăng khả năng tiếp nhận kiến thức của học viên và tránh nhàm chán. Ngoài việc được các học viên đón nhận nhiệt tình hơn hẳn, học tập thực hành còn có một số lợi thế khác. Đào tạo thực hành đòi hỏi sự tập trung và giúp học viên dễ dàng nhớ lại kiến thức cũ.

4.Đào tạo trên máy tính và đào tạo trực tuyến

Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp không bị phụ thuộc vào ”lịch làm việc” của giảng viên, các khóa đào tạo trên máy tính hoặc trực tuyến có thể phù hợp với bạn. Mặc dù đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau, hai cách tiếp cận này có một điểm khác biệt: đào tạo dựa trên máy tính (CBT) bao gồm bất kỳ loại đào tạo nào diễn ra trên máy tính, trong khi đào tạo học trực tuyến là các video đào tạo cụ thể được lưu trữ trực tuyến qua trang web hoặc ứng dụng web. Các khóa đào tạo kỹ thuật số này thường bắt chước các khóa đào tạo theo phong cách lớp học, hiển thị nội dung trực quan trên màn hình hỗ trợ giọng nói của giảng viên. Chúng cũng có thể bao gồm các tài nguyên như video và tài liệu đọc để đi kèm với khóa học, tương tự như những gì bạn có thể tìm thấy trong môi trường lớp học.

5.Sử dụng định dạng video

Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau mà bạn có thể thực hiện khi nói đến đào tạo video. Các phong cách phổ biến nhất bao gồm:

  • Hoạt hình: Dựng video dạng animation là hình thức phổ biến hiện nay để chuyển đổi những kiến thức trừu tượng thành thông tin dễ tiếp nhận, có thể là lồng ghép thành ví dụ hoặc câu chuyện đơn giản.
  • Hành động trực tiếp: Những video này có thể phỏng theo tương tác giữa nhân viên và khách hàng, dễ dàng để học viên nhận ra cử chỉ hành vi trong tình huống cụ thể. Phù hợp cho những khóa giao tiếp và chăm sóc khách hàng.
  • To-camera: Thông qua phương pháp này, người giảng viên ngồi trước máy quay và nói trực tiếp với người xem. Phương pháp tuy cổ điển nhưng lại khá chân thực, độ hiệu quả của phương pháp sẽ phụ thuộc vào khả năng truyền tải của giảng viên: phong cách, giọng nói, cách nói,…
  • Quay thao tác màn hình: Phương pháp này ghi lại các hành động được thực hiện trên máy tính, giúp cho nhân viên dễ dàng tiếp nhận cách sử dụng các công cụ kỹ thuật số mới.

Cho dù bạn chọn tùy chọn nào, video có thể thay thế những tài liệu chữ dài và khô khan bằng nội dung tương tác, hấp dẫn. Tuy nhiên, chi phí cho việc “video hóa” không nhỏ và doanh nghiệp cần tìm bên phù hợp để thực hiện.