PHÂN TÍCH SWOT LÀ GÌ ? CÁC BƯỚC THỰC HIỆN PHÂN TÍCH SWOT HIỆU QUẢ

Mô hình SWOT là một công cụ nổi tiếng được nhiều doanh nghiệp biết đến và áp dụng bởi tính hữu ích trong việc giúp các nhà quản lý phân tích các yếu tố quan trọng bên trong và ngoài doanh nghiệp để từ đó thiết lập nên các chiến lược cũng như kế hoạch kinh doanh phù hợp. 

Mặc dù mô hình SWOT khá phổ biến hiện nay nhưng làm thế nào để phân tích SWOT một cách hiệu quả vẫn đang là câu hỏi của nhiều nhà quản lý kinh doanh. 

Hãy cùng HR PARTNERS tìm hiểu chi tiết về mô hình SWOT cũng như các bước thực hiện phân tích SWOT hiệu quả trong bài viết này nhé.

1. Phân tích SWOT là gì?

 

SWOT được viết tắt của 4 chữ :

  • Strenghts (Thế mạnh): Đặc điểm doanh nghiệp hoặc dự án đem lại lợi thế so với đối thủ
  • Weaknesses (Điểm yếu): Đặc điểm doanh nghiệp hoặc dự án khiến doanh nghiệp hoặc dự án yếu thế hơn so với đối thủ
  • Opportunities (Cơ hội): Nhân tố môi trường có thể khai thác để giành được lợi thế
  • Threat (Thách thức, mối đe dọa): Nhân tố môi trường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp hoặc dự án

Phân tích ma trận SWOT chính là phương pháp chiến lược được sử dụng để giúp cá nhân hay doanh nghiệp, tổ chức xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong bối cảnh hiện tại so với đối thủ, để đánh giá được vị thế cạnh tranh của công ty và phát triển kế hoạch chiến lược.

Phân tích SWOT đánh giá các yếu tố bên trong và bên ngoài, cũng như tiềm năng hiện tại và tương lai. Doanh nghiệp có thể làm rõ được mục tiêu đầu tư và xác định những yếu tố khách quan – chủ quan có thể ảnh hưởng đến quá trình đạt được mục tiêu. Từ đó, có kế hoạch cụ thể và chi tiết để thực hiện mục tiêu một cách dễ dàng hơn. 

2. Các bước thực hiện phân tích SWOT hiệu quả

Phân tích SWOT có thể chia thành nhiều bước, bao gồm các bước sau:

Bước 1: Xác định được mục đích của việc phân tích SWOT

Để việc phân tích SWOT một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần xác định được mình cần phân tích SWOT để làm gì.

Ví dụ mục tiêu của doanh nghiệp phân tích SWOT để tìm hiểu xem việc giới thiệu sản phẩm hay nên triển khai ra mắt sản phẩm mới lúc này có phù hợp vào thời điểm nhất định hay không hoặc tìm hiểu đối thủ cạnh tranh đang hoạt động như thế nào, để từ đó xác định những điểm doanh nghiệp cần điều chỉnh để đạt được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Bước 2: Nghiên cứu thị trường và doanh nghiệp

Điều quan trọng trước khi tiến hành phân tích SWOT là doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ yếu tố thuộc nội bộ doanh nghiệp cũng như tìm hiểu về thị trường và đối thủ cạnh tranh.

 

 

Cần hiểu rõ đội ngũ nhân viên của mình đang sở hữu những kỹ năng chuyên môn gì và đang yếu ở những mảng nào để xách định được điểm manh, điểm yếu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ý kiến phản hồi của đối tác kinh doanh hay của chính khách hàng giúp cho doanh nghiệp nhận biết được điểm mạnh mà doanh nghiệp có để tận dụng hay điểm yếu mà doanh nghiệp cần khắc phục.

Nghiên cứu thị trường cũng như môi trường bên ngoài để hiểu biết nhu cầu thị hiếu của khách hàng tiềm năng, các hoạt động của đối thủ cạnh tranh, những điều luật hay quy định pháp luật nhằm xác định được những yếu tố cơ hội và tránh được những rủi ro đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn thông tin bên ngoài luôn phải đối mặt với những hạn chế về mức độ tin cậy của nó. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải cẩn trọng trong quá trình tìm kiếm thông tin từ các nguồn dữ liệu bên ngoài.

Bước 3. Nhận biết điểm mạnh

Để đánh giá được điểm mạnh của doanh nghiệp, cần xem xét tới điều gì doanh nghiệp làm tốt, độc đáo, nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh. Một số ví dụ về điểm mạnh của doanh nghiệp có thể kể đến như: môi trường làm việc tốt, ý tưởng bán hàng độc đáo, bộ máy lãnh đạo xuất sắc hay nguồn nhân lực giỏi,...

Để nhận biết được điểm mạnh của mình, doanh nghiệp có thể đặt ra những câu hỏi sau: 

  • Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp là ai?
  • Tại sao khách hàng lại thích sản phẩm của doanh nghiệp?
  • Điều gì làm nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp và đối thủ?
  • Điểm thu hút nhất về thương hiệu doanh nghiệp là gì?
  • Lợi thế kinh doanh đặc biệt của doanh nghiệp là gì?
  • Doanh nghiệp sở hữu những tài nguyên nào? Đối thủ cạnh tranh có sở hữu những tài nguyên đó không?

Câu trả lời sẽ đem lại cái nhìn tổng thể giúp doanh nghiệp xác định điểm mạnh cốt lõi của mình.

Bước 4: Xác định được điểm yếu

Bên cạnh những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp là những điều vốn có làm chưa tốt, cản trở doanh nghiệp phát triển, đạt được mục tiêu kinh doanh. Điều này thuộc về yếu tố nội bộ mà doanh nghiệp có thể điểu chỉnh hay kiểm soát được. Một số điểm yếu của doanh nghiệp có thể được kể đến như: Đối thủ cạnh tranh nhiều, nguồn lực và ngân sách giới hạn, đội ngũ nhân viên chưa đủ kỹ năng chuyên môn,…

Một số câu hỏi mà doanh nghiệp cần trả lời để xác định được điểm yếu của mình có thể được kể đến như: 

  • Khách hàng đang không thích gì về doanh nghiệp hay sản phẩm của doanh nghiệp?
  • Những vấn đề hoặc khiếu nại thường được đề cập trong các review đánh giá về doanh nghiệp cũng như sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp là gì?
  • Nguyên nhân nào khiến khách hàng hủy đơn hàng và giao dịch?
  • Tại sao độ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp chưa cao?
  • Những trở ngại/thách thức lớn nhất trong kênh bán hàng hiện tại?
  • Những tài nguyên nào mà đối thủ sở hữu nhưng doanh nghiệp thì không?

Hãy nhìn nhận điểm yếu của doanh nghiệp một cách khách quan nhất để có thể tìm ra được những hướng đi và chiến lược phù hợp để khắc phục. 

Bước 5: Liệt kê những cơ hội

Ở bước này, doanh nghiệp cần liệt kê những cơ hội mà mình có thể tận dụng, những cơ hội này sẽ thuộc vào yếu tố bên ngoài và doanh nghiệp khó có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp việc liệt kê các cơ hội trở nên dễ dàng hơn.

Doanh nghiệp có thể nắm bắt một số cơ hội như: công nghệ mới, nhu cầu khách hàng gia tăng đối với sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp, hợp tác với những đối tác lớn, luật pháp thay đổi có lợi cho việc kinh doanh,…

Một số những câu hỏi mà doanh nghiệp cần trả lời để liệt kê được những cơ hội mà mình có thể tận dụng như: 

  • Làm thế nào để có thể cải thiện quy trình bán hàng và hỗ trợ khách hàng hiệu quả?
  • Nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm là gì?
  • Sự hợp tác nào sẽ có lợi cho doanh nghiệp?
  • Những luật lệ hay quy định pháp luật có hỗ trợ cho việc kinh doanh không?
  • Những kênh quảng cáo nào tiềm năng nhưng doanh nghiệp vẫn chưa khai thác?

Doanh nghiệp có thể dựa vào thế mạnh của mình đã xác định trước đó và tự hỏi những thế mạnh này có thể mở ra bất cứ cơ hội nào không. Ngoài ra, xem xét những điểm yếu và hạn chế những điểm nàu có thể tạo ra cơ hội nào mới không?

Bước 6: Nhận biết được rủi ro

Cũng giống như cơ hội, rùi ro thuộc về những yếu tố bên ngoài mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được. Một số ví dụ có thể được kể đến như: tỉ lệ thất nghiệp tăng, đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường đông, thay đổi về luật pháp, rủi ro tài chính và hầu như mọi thứ khác có khả năng tác động tiêu cực cho tương lai của doanh nghiệp hay kế hoạch kinh doanh.

Doanh nghiệp có thể trả lời những câu hỏi sau để nhận biết được rủi ro: 

  • Số lượng đối thủ cạnh tranh là bao nhiêu? Họ có những lợi thế cạnh tranh gì?
  • Có nhiều đối thủ mới gia nhập thị trường không?
  • Những luật pháp mới thay đổi là gì? Luật pháp đó có đem lại rủi ro trong việc kinh doanh không?
  • Nhu cầu của khách hàng có thay đổi không? Thay đổi đó có thể đem lại rủi ro cho doanh nghiệp hay không?

Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức hay rủi ro tiềm tàng không thể lường trước được, như thay đổi môi trường pháp lý, biến động thị trường, hoặc thậm chí các rủi ro nội bộ như lương thưởng bất hợp lý gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Bước 7: Xác định chiến lược dựa vào phân tích SWOT

Một số chiến lược mà doanh nghiệp có thể tham khảo dựa trên mô hình SWOT có thể được kể đến như sau:

Chiến lược S – O

Chiến lược S – O (Strength – Opportunity) là chiến lược sử dụng điểm mạnh để khai thác cơ hội, phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đây là chiến lược được ưu tiên sử dụng hàng đầu bởi nếu biết cách vận dụng tối đa điểm mạnh thì cơ hội thành công sẽ rất cao mà không tốn nhiều công sức. Doanh nghiệp có thể coi chiến lược S-O tương đương với chiến lược phát triển ngắn hạn của mình.

Ta có thể lấy ví dụ về điểm mạnh của 1 nhà hàng chay ở trung tâm thành phố. Những điểm mạnh của nhà hàng này có thể được kể đến như: 

  • Vị trí đắc địa (trung tâm thành phố)
  • Cơ sở vật chất hiện đại
  • Độ nhận diện thương hiệu cao
  • Thực đơn đa dạng, mới mẻ, sáng tạo
  • Giá tiền phù hợp với chất lượng

Những cơ hội mà nhà hàng này có thể tận dụng được là:

  • Nhu cầu với đồ ăn chay của khách hàng ngày càng tăng
  • Sự phát triển của các ứng dụng giao hàng online như Now, Baemin, Foody,…

Khi phân tích được điểm mạnh cũng như cơ hội theo chiến lược S-O, chủ nhà hàng có thể sử dụng chiến lược phát triển thị trường và mở thêm 1 chi nhánh mới của nhà hàng để phục vụ nhu cầu với đồ ăn chay của khách hàng tăng, tận dụng điểm mạnh là thực đơn nhà hàng đa dạng, giá tiền phù hợp và có vị trí ở trung tâm thành phố, có nhiều khu chung cư và văn phòng. 

Chiến lược W – O

Chiến lược W-O (Weakness – Opportunity) là chiến lược dùng điểm yếu để khai thác, tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, việc khắc phục điểm yếu sẽ khiến doanh nghiệp tiêu hao nhiều nguồn lực để tận dụng cơ hội. Đôi khi, khắc phục xong điểm yếu thì cơ hội đã không còn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải lưu ý và phân tích kỹ trước khi áp dụng. Chiến lược W-O tương đương với chiến lược phát triển trung hạn của doanh nghiệp.

Vẫn là ví dụ về nhà hàng chay, ở đây, những điểm yếu mà nhà hàng chay này có thể cần được khắc phục là:

  • Chi phí còn cao so với đối thủ
  • Diện tích nhà hàng còn nhỏ
  • Chưa thực hiện bán online qua các kênh giao hàng đồ ăn

Để tận dụng cơ hội với sự phát triển của các ứng dụng giao hàng online, chủ nhà hàng có thể khắc phục điểm yếu bằng cách kết hợp giữa hình thức offline (bán trực tiếp) và online (bán qua các app giao đồ ăn) để mở rộng thị trường, tăng doanh thu bán hàng.

Chiến lược S-T 

Chiến lược S-T (Strength – Threat) là chiến lược sử dụng những điểm mạnh để hạn chế, phòng tránh nguy cơ. Từ đó, giúp hạn chế rủi ro và đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra ổn định, phát triển.

Ta cũng có thế lấy ví dụ về những rủi ro mà nhà hàng chay phải đối mặt như:

  • Tỉ lệ cạnh tranh cao
  • Nhiều đối thủ gia nhập thị trường
  • Chi phí nguyên vật liệu cao
  • Các nhà cung cấp không đáng tin cậy

Với nhà hàng chay này, đối thủ cạnh tranh nhiều là mối lo ngại lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Để có thể hạn chế rủi ro, chủ nhà hàng có thể đưa ra chiến lược khác biệt hóa sản phẩm dựa vào thế mạnh là thực đơn của nhà hàng phong phú, đa dạng và mới mẻ hơn so với đối thủ. Nhà hàng có thể phát triển thực đơn thêm để bắt kịp xu hướng.

Chiến lược W-T

Chiến lược W-T (Weakness – Threat) là chiến lược khắc phục những điểm yếu để hạn chế các rủi ro. Với chiến lược này, doanh nghiệp cần phải vừa khắc phục điểm yếu, vừa phải dự đoán rủi ro có thể xảy ra nhằm phòng tránh nguy cơ, gây thiệt hại lớn về tài chính.

Quay trở lại ví dụ về nhà hàng chay, để giảm thiểu rủi ro bằng cách khắc phục điểm yếu, nhà hàng này có thể sử dụng chiến lược hội nhập về phía sau để khắc phục được điểm yếu là chi phí cao so với đối thủ và hạn chế được rủi ro từ phía các nhà cung cấp không đáng tin cậy. 

Chiến lược hội nhập về phía sau đặc biệt thích hợp trong trường hợp nhà cung cấp hiện tại của doanh nghiệp ở mức giá cao, không đáng tin cậy hoặc không đáp ứng được các yêu cầu nhất định.

Trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp thông tin cho các bạn về: Phân tích SWOT là gì? Các bước phân tích SWOT hiệu quả. Mong những thông tin này sẽ giúp ích được các bạn trong công việc cũng như cuộc sống. Chúc các bạn thành công trong việc áp dụng và phân tích SWOT hiệu quả!